Trong năm qua, bức tranh của ngành Sơn phủ Việt Nam có mảng màu “lạnh” cùng mảng màu “nóng”, nhưng toàn cảnh là một bức tranh tươi màu, đa sắc và sinh động. Khác hẳn với bức tranh “một màu” thuộc thập niên 2005 đến 2014, khi mà kết quả kinh doanh của các mảng sơn đều na ná như nhau: cùng lên – cùng xuống và cùng tốc độ.
Vài ghi nhận từ nền kinh tế Việt Nam 2016
Năm 2016, nền kinh tế Việt Nam trải qua ít nhiều biến động và thách thức liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu, tác động đến ngành nông nghiệp, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản làm ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của tầng lớp nông – ngư dân từ các tỉnh miền Trung trở vào.
Thêm vào đó, sự bất ổn kinh tế thế giới, sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc cùng sức mua toàn cầu vẫn chưa hồi phục và thay đổi nhanh ngoài dự báo. Thêm vào đó là sự xuất hiện các đối thủ cạnh tranh mới với các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh làm cho khả năng xuất khẩu của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn.
Dầu vậy, năm qua Chính phủ đã có cải cách Tài chính mạnh mẽ: điều hành tỷ giá tốt, kiểm soát chỉ số giá và lạm phát nằm trong mục tiêu đề ra cùng sự quan tâm cải thiện sức hút đầu tư thì kết quả tăng trưởng GDP đạt mức 6.21%, dù thấp hơn chỉ tiêu là 6.7% nhưng đứng đầu trong các nước Asean, là kết quả đáng khích lệ.
Ngành sơn trang trí – Đâu là điểm khác biệt?
Tuy phải đối mặt với những khó khăn nêu ở trên và GDP không đạt kết quả như kỳ vọng nhưng ngân hàng HSBC nhận định tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng và vốn đầu tư đổ vào bất động sản vẫn tăng đã là những tiền đề để ngành Sơn trang trí – xây dựng tăng trưởng khá tốt trong năm 2016 và một số năm tiếp theo.
Năm 2016, ngành Bất động sản gặp rất nhiều thuận lợi từ sự ổn định kinh tế vĩ mô - tỷ giá - giá nguyên vật liêu đến chính sách hỗ trợ của chính phủ trong việc giải ngân gói 30,000 tỷ đồng cũng như sự hấp dẫn của việc đầu tư vào bất động sản thu hút được vốn đầu tư liên tục gia tăng. Các yếu tố thiên thời địa lợi này cùng sự năng động, nhạy bén khai thác tiềm năng trong mọi phân khúc của các chủ đầu tư trong và ngoài nước khiến năm 2016 là năm thắng lợi trên mọi phân khúc của ngành bất động sản Việt Nam từ Nam ra Bắc và từ đất liền đến hải đảo.
Thắng lợi của ngành Bất động sản kéo theo sự tăng trưởng của ngành sơn trang trí và xây dựng là điều tất yếu. Điểm “khác biệt” đáng nói ở đây là thắng lợi đó không chia đều cho các bên. Chúng tôi nhận thấy có sự khác biệt mức tăng trưởng không chỉ giữa nhóm các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và công ty trong nước mà sự khác biệt này xảy ra khá rõ trong nội bộ nhóm nhà sản xuất hàng đầu “top six” và giữa các nhà sản xuất của hai miền Bắc – Nam. Trong nhóm “top six”, phản hồi của thị trường cho thấy có thương hiệu đạt mức tăng trưởng hai con số trong khi đó cũng có thương hiệu khác từng làm mưa làm gió đã có dấu hiệu chững lại trong năm 2016. Cũng vậy, một số nhà sản xuất Việt ở phía Nam đã từng có một thời oanh liệt nay đang phải gồng mình giữ thị phần. Trong khi đó, các nhà sản xuất Việt phía Bắc sau khi có hai năm tăng trưởng mạnh, đang hừng hực khí thế tăng đầu tư, trong đó có cả kế hoạch tiến vào Nam.
Tuy nhiên, vẫn có một điểm chung là hầu hết các nhà sản xuất đều cảm thấy hài lòng về kết quả sản xuất kinh doanh, ít ra là về mặt lợi nhuận. Như đã nói ở trên, dù tốc độ tăng trưởng không chia đều cho tất cả, nhưng với mức tăng trưởng chung cho toàn ngành ước đạt 8 – 10% về sản lượng năm 2016, là mức tăng trưởng làm cho tất cả hài lòng.
Theo nhận định của CBRE “Thị trường bất động sản đang phát triển tương đối ổn định và tâm lý tích cực được duy trì trên thị trường trong năm 2017.” Đây sẽ là tín hiệu tốt, dự báo một năm thành công nữa cho ngành Sơn trang trí – xây dựng.
Ngành Sơn tàu biển và bảo vệ - Không còn là chuyến xe song mã
Khác với thập niên trước, Hai mảng sơn tàu biển và bảo vệ được xem là cỗ xe song mã kéo theo sự tăng trưởng chung của một số nhà sản xuất chuyên trong lĩnh vực này như Sơn Hải Phòng – Chugoku, Jotun v.v… Tuy nhiên, vài năm gần đây, ngành hàng hải gặp rất nhiều khó khăn, điển hình là sự chao đảo và phá sản của hãng tàu Hanjin năm 2016 là một ví dụ. Điều đó cho thấy, mảng sơn tàu biển hầu như không phát triển do Việt Nam không nhận được đơn hàng tàu đóng mới xuyên quốc gia mà chỉ phục vụ khâu bảo dưỡng. Dự án tàu đánh bắt xa bờ cũng không phát triển như kỳ vọng cũng là yếu tố trì trệ cho phát triển. Duy chỉ có mảng sơn tàu cá gần bờ là có kết quả khả quan nhưng cũng không đủ mạnh và đạt chuẩn để xếp vào sản lượng chung của mảng sơn tàu biển. Vì thế, mảng sơn này là mảng duy nhất hầu như không tăng trưởng trong năm 2016.
Trong lúc sơn tàu biển đang phải đối đầu với thách thức, thì đối lại mảng sơn bảo vệ đã có một năm thành công. Sự thành công đó dựa vào tốc độ đầu tư và mở rộng sản xuất ở các khu công nghiệp và tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng, là động lực để ngành sơn bảo vệ tăng trưởng khá ấn tượng, ước đạt gần 15%. Đây được xem là lực kéo khá quan trọng hỗ trợ cho sự tăng trưởng chung của cỗ xe song mã Sơn tàu biển và bảo vệ. Dự báo năm 2017, chuyến xe song mã này vẫn phải phụ thuộc vào mảng sơn bảo vệ, vì vậy toàn ngành khó có thể đạt mức tăng trưởng hai con số
Ngành Sơn cuộn – Tăng trưởng chậm và bất ổn
Ngành sơn cuộn Việt Nam đang phải đối mặt với cuộc chiến chống phá giá, bảo hộ thị trường rất cao. Từ cuối năm 2014 cuộc chiến này bắt đầu từ Indonesia, sau đó là các nước Thailand, Malaysia trong năm 2015. Nhưng năm 2016 thị trường Hoa Kỳ cũng bắt đầu áp dụng phương sách này để bảo hộ cho sản xuất nội địa. Một yếu tố bất lợi nữa là việc tôn Trung Quốc đột lốt tôn Việt Nam để tận dụng ưu đãi thuế quan đã xảy ra ở một số thị trường xuất khẩu quan trọng. Đây là hai lý do hạn chế khả năng sản xuất và tăng trưởng của ngành sơn cuộn. Do thu hẹp thị phần xuất khẩu tôn mạ màu mà năm 2016, ngành sơn cuộn tăng trưởng khá yếu dưới 5%, mặc dù đã được sức tiêu thụ trong nước hỗ trợ và bù đắp cho phần xuất khẩu bị thu hẹp và bị quấy rối bởi hàng Trung Quốc.
Nói như vậy để thấy ngành sơn cuộn không còn lực hút như những năm trước đây, mà trước mắt là một năm với nhiều khó khăn để duy trì sản lượng. Vì thế, có nhà đầu tư có kế hoạch sản xuất sơn cuộn đã phải tạm dừng dự án để theo dõi tình hình.
Ngành Sơn Gỗ - Tốc độ tăng trưởng chậm lại
Theo đánh giá của ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), năm 2016 là một năm nhiều khó khăn đối với ngành gỗ, nhất là về mặt thị trường. Không như kỳ vọng vào đầu năm, ngành xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam năm qua bắt đầu đối mặt với những thách thức cụ thể như việc các thị trường xuất khẩu chính như Trung Quốc, EU và đặc biệt là thị trường Mỹ đều bị sút giảm.
Cho dù năm 2016 tiêu dùng đồ gỗ nội địa phát triển khá tốt, tuy nhiên, khó khăn trong việc xuất khẩu đồ gỗ dẫn đến kết quả là lần đầu tiên trong thập kỷ qua, ngành sơn gỗ Việt Nam không còn giữ mức tăng trưởng hai con số, mà chỉ ước đạt 9% tăng trưởng.
Ngoài khó khăn về thị trường xuất khẩu, Ngành xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam còn có nguy cơ đối mặt với chính sách bảo hộ mậu dịch, cụ thể là chống bán phá giá từ các thị trường lớn như Nhật, EU và Hoa Kỳ là khá cao do làn sóng các doanh nghiệp Trung Quốc đổ sang Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế, nói lên rằng ngành sơn gỗ sẽ không dễ lấy lại thời vàng son trong tăng trưởng như đã có trong hơn 10 năm qua.
Ngành Sơn bột tĩnh điện – Thời điểm vàng của tăng trưởng
Với hành trình 20 năm đặt nền móng và phát triển của ngành này, thì năm 2016 là năm phát triển cao nhất do ngành này hưởng lợi từ nhiều yếu tố khách quan. Ngoài việc tăng trưởng mạnh của ngành xây dựng thì yếu tố quan trọng nhất phải kể đến là xu hướng kiến trúc trong hai năm qua thay đổi rất rõ. Các công trình cao tầng ngày càng sử dụng thủ pháp lấy sáng tự nhiên, mở rộng tầm nhìn, phối hợp với ban công. Không những thế, các công trình thấp tầng, nhà ở tư nhân cũng áp dụng ngôn ngữ thiết kế mở và hiện đại trong đó vật liệu kính với khung nhôm đang được sử dụng ngày càng phổ biến với tỷ lệ cao trong kiến trúc. Đó là chưa kể đến thị trường đang có sự chuyển hướng thay đổi chất liệu sơn phủ trên các công trình phụ, thay vì là sơn alkyd truyền thống thì nay được thay thế bằng sơn tĩnh điện để có độ thẩm mỹ cao hơn và bền đẹp hơn. Một yếu tố góp phần làm nên thời điểm tăng trưởng vàng nữa là sức tiêu thụ các mặt hàng dân dụng đã và đang sử dụng sơn tĩnh điện vẫn đang tăng trưởng tốt.
Tận dụng cơ hội thuận lợi đó, hiện nay đang có xu hướng đầu tư mới từ các nhà sản xuất nhỏ lẻ Trung Quốc và một vài nhà sản xuất trong nước góp phần làm cho mảng sản xuất kinh doanh này đạt mức tăng trưởng cực kỳ ấn tượng khoảng 25% trong năm 2016 và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trưởng tốt trong vài năm sắp tới.
Kết luận
Khi kinh tế Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới thì những tác động của một thế giới nhiều biến động và thay đổi nhanh phần nào ảnh hưởng đến ngành kinh tế Việt Nam nói chung và Ngành Sơn phủ Việt Nam nói riêng. Trong năm qua, bức tranh của ngành Sơn phủ Việt Nam có mảng màu “lạnh” cùng mảng màu “nóng”, nhưng toàn cảnh là một bức tranh tươi màu, đa sắc và sinh động. Khác hẳn với bức tranh “một màu” thuộc thập niên 2005 đến 2014, khi mà kết quả kinh doanh của các mảng sơn đều na ná như nhau: cùng lên – cùng xuống và cùng tốc độ.
Dự báo của Ngân hàng Standard Chartered đưa ra vào ngày 13/1/2017 vừa qua, theo đó dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2017 sẽ là 6,6% với sự ổn định của hầu hết các chỉ số vĩ mô quan trọng nhất của nền kinh tế (theo The Saigon Times). Dự báo này khá phù hợp với mục tiêu của Chính phủ là 6.7% trong năm 2017. Đây là tiền đề thuận lợi cho nhiều ngành sản xuất và kinh doanh, trong đó có ngành Sơn phủ Viêt Nam tăng trưởng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng sẽ còn tùy thuộc vào những ẩn số khách quan như giá dầu, giá nguyên liệu, tỷ giá… nhưng quan trọng nhất vẫn là chiến lược của từng nhà sản xuất sẽ làm cho bức tranh toàn cảnh của ngành Sơn phủ thêm thú vị.